Nhóm nghiên cứu Trần Thị Long Biên (Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM), Nguyễn Ngọc Quyến (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai),… thực hiện đề tài này nhằm xác định các chỉ tiêu ảnh hưởng đến quá trình thủy phân nhộng ruồi và quy trình sản xuất bột cao đạm từ nhộng ruồi.
Nhộng ruồi lính đen (Hermetia illucens) được biết đến như là loại thức ăn cho gia súc gia cầm dưới dạng tươi do nhộng có giá trị dinh dưỡng cao; có khả năng xử lý hiệu quả các loại chất thải khác nhau, trong đó có các phụ phế phẩm từ nhà máy chế biến thủy sản.
Trong nghiên cứu này, với tỷ lệ phối trộn 27% ruột cá và 73% vỏ thơm, nhộng có khả năng giảm thể tích chất thải 63% trong 8 ngày và tỷ lệ chuyển hóa chất thải là 3,7:1 (khoảng 6 kg thức ăn sẽ cho 1 kg nhộng). Đồng thời, nhộng ruồi lính đen có khả năng cung cấp sinh khối để làm thức ăn cho thủy sản với giá trị dinh dưỡng lớn (33% đạm, 32% lipid, tính trên vật chất khô. Khi thủy phân protein của loài nhộng này bằng enzyme protease ở các điều kiện 5% NaCl, hoạt độ enzyme 35 UI, thể tích phản ứng 50 ml trong thời gian 16 giờ ở 500C, và phối trộn dịch thủy phân với 70% bã đậu nành sấy ở nhiệt độ 550C trong 48 giờ, sẽ thu được sản phẩm bột cao đạm với các thành phần dinh dưỡng là 44,93% protein thô, 3,61% lipid, 5,96% chất xơ, 3,79% ẩm độ. Đây là nguồn protein chất lượng cao cung cấp thức ăn cho thủy sản và gia súc.
Quy trình sản xuất bột cao đạm từ nhộng ruồi lính đen là một quy trình khép kín. Các phụ phẩm từ nhà máy chế biến thủy sản và rác thải từ các chợ sẽ được tận dụng để làm thức ăn cho ấu trùng. Sau khi thu hoạch, sản phẩm bao gồm nhộng và rác thải sau xử lý. Rác thải sau khi xử lý có thể tận dụng làm phân bón hữu cơ cho cây. Quy trình này vừa giải quyết được vấn đề môi trường, rác thải, vừa có khả năng cung cấp ổn định nguồn đạm động vật cho ngành công nghiệp sản xuất thức ăn gia súc và thủy sản, đồng thời giải quyết được vấn đề đầu ra của nhộng ruồi khi dùng chúng làm tác nhân chu chuyển rác, tránh nguy cơ mất cân bằng sinh học do có thể kiểm soát và sử dụng loài côn trùng này ngay ở giai đoạn ấu trùng.
LV (Nguồn: Tạp chí KHKT Nông lâm nghiệp, số 1-2016)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét