Thức ăn giàu dinh dưỡng từ ấu trùng ruồi lính đen

Gần đây nhiều gia đình đang làm giàu với ruồi lính đen; đặc biệt ấu trùng của loài vật nhỏ bé này có hàm lượng dinh dưỡng cao dùng làm thức ăn chăn nuôi…

Anh Nguyễn Thái Phong giới thiệu về mô hình nuôi ruồi lính đen của gia đình mình. Ảnh: MS.

Ruồi lính đen vô hại

Khi nhắc tới những loại ruồi, muỗi hay các loại côn trùng khác, ai cũng thường nghĩ chúng gây hại cho sức khỏe con người.
Tuy nhiên, có một loại côn trùng lại có rất nhiều lợi ích với các loại động, thực vật và môi trường xung quanh con người đó là ruồi lính đen hay còn gọi với tên gọi khác là sâu canxi.
Ruồi lính đen là một loại côn trùng đặc biệt, vô hại, phân bố khắp nơi trên thế giới và không mang các tác nhân gây bệnh như ruồi nhà.
Loài vật nhỏ bé này sinh sống, phát triển vòng đời trong khoảng 45 ngày từ trứng phát triển thành ấu trùng, rồi từ ấu trùng phát thiển thành nhộng, nhộng phát triển thành côn trùng và sinh đẻ. Đặc biệt, ứng dụng của ruồi lính đen dùng để làm thức ăn chăn nuôi với hàm lượng dinh dưỡng khá cao.

Ruồi lính đen là một loại côn trùng đặc biệt, vô hại và mang lại nhiều lợi ích cho môi trường và cho người nuôi. Ảnh. AV.

Thành phần dinh dưỡng của ruồi lính đen trước giai đoạn hóa nhộng là 43 - 51% protein, 15 - 18% chất béo, 2,8 - 6,2% canxi, 1 - 1,2% phốt pho, đủ chất dinh dưỡng làm thức ăn chăn nuôi; đồng thời là thức ăn sống tốt nhất để nuôi các động vật đặc sản như tôm, cua, cá, lươn, ếch…
Ngoài ra, ấu trùng ruồi có thể cô đặc, sấy khô phối trộn với các chất dinh dưỡng của ruồi lính đen khác làm thức ăn thay thế hoàn toàn bột cá trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
Chúng còn bổ sung canxi và phốt pho cho gia cầm như: gà, vịt, ngan, ngỗng… giúp bổ sung chất dinh dưỡng, tăng sức đề kháng, kích thích ra lông tốt. Chúng còn là loại côn trùng có ích, có thể xử lí rác thải hữu cơ thành phân bón hữu ích cho cây cảnh.

Thu hoạch trứng ruồi lính đen. Ảnh: MS.

Chính từ lợi ích nhiều mặt của ruồi lính đen, trên thị trường gần đây xuất hiện nhiều mô hình nuôi ruồi lính đen làm nguồn thức ăn hữu ích cho các loại vật nuôi, nhưng thực tế cũng chưa đáp ứng được nhu cầu.

Có thể làm giàu từ ruồi lính đen

PV KTGĐ ghé thăm trại ruồi lính đen của gia đình anh Nguyễn Thái Phong (ấp Sơn Hà, xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) là người tiên phong đưa nghề nuôi ruồi lính đen về vùng đất này.
Chỉ sau 3 năm khởi nghiệp, chàng trai trẻ vốn là bộ đội xuất ngũ đã sớm thành công và trở thành ông chủ một trang trại ruồi lính đen có khách hàng toàn quốc.

Anh Phong chia sẻ về những sản phẩm ấu trùng ruồi lính đen sấy khô tiệt trùng cung cấp ra thị trường trong nước. Ảnh: MS. 

Chia sẻ với KTGĐ, Phong tâm sự, năm 2017 bắt đầu tìm hướng khởi nghiệp, qua tìm hiểu nhiều nguồn, anh bắt đầu “mê” loài vật đặc biệt - ruồi lính đen và triển khai ngay mô hình này vì nhiều tiềm năng phát triển kinh tế.
Mô hình ngày càng ăn nên làm ra và tạo được tên tuổi trên toàn quốc với thương hiệu Lavafam (nông trại ấu trùng).
Phong chia sẻ: “Em thấy loài ruồi lính đen này không có hại cho môi trường, ấu trùng của ruồi lính đen được dùng để phân hủy chất thải chăn nuôi, đồng thời dùng làm thức ăn chăn nuôi. Trứng của ruồi lính đen nở thành nhộng là thức ăn giàu dinh dưỡng cho chăn nuôi heo, gia cầm, thủy sản.
Ruồi lính đen không có vòi nên không chích hút vào hoa quả và không bám vào thức ăn như các loài ruồi khác nên khá an toàn”.

Sản phẩm ấu trùng ruồi lính đen sấy khô tiệt trùng có mặt trên bàn ăn rất thơm ngon. Ảnh: MS.

Theo Phong, nuôi ruồi lính đen không quá phức tạp vì thức ăn cho ấu trùng ruồi lính đen chủ yếu là rau củ quả đã hư hỏng hay xác bã đậu, sắn...Có thể thực phẩm xin được ở chợ, loài này khá phàm ăn, suốt vòng đời, một kg ấu trùng sẽ tiêu thụ hết 5 cân phụ phẩm thức ăn.
Với những ưu điểm vượt trội về tính năng xử lý rác thải và nguồn thức ăn hiệu quả trong chăn nuôi của ruồi lính đen, hiện đầu ra cũng khá thuận lợi. Do vậy, Phong đã vận động thêm nhiều gia đình tại địa phương cùng triển khai mô hình ruồi lính đen để làm “vệ tinh” cung cấp sản phẩm cho Phong ký hợp đồng bao tiêu.

Sản phẩm ấu trùng ruồi lính đen còn được đưa vào sấy khô công nghệ tiệt trùng, hiện đang có mặt tại nhiều hệ thống siêu thị là món khoái khẩu như nhộng ong khiến người tiêu dùng rất ưa chuộng. Ảnh: AV.

Hiện trại ruồi của Phong cung cấp ra thị trường các loại sản phẩm như ấu trùng sấy dùng làm thức ăn cho chim, cá cảnh; ấu trùng tươi dùng làm thức ăn cho chó, gà, vịt và cung cấp con giống các hộ chăn nuôi trên toàn quốc.
Thậm chí sản phẩm ấu trùng ruồi lính đen còn được đưa vào sấy khô công nghệ tiệt trùng, hiện đang có mặt tại nhiều hệ thống siêu thị là món khoái khẩu như nhộng ong khiến người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Tùy theo mỗi loại sản phẩm mà có giá cả khác nhau, như ấu trùng đen cung cấp cho nhà nuôi yến có giá từ 70 - 100 ngàn đồng/kg; ấu trùng dùng làm giống có giá trên 100 ngàn đồng/kg; ấu trùng cho gà, vịt ăn từ 10 đến 15.000 đồng/kg. Còn trứng ruồi có giá đến 5 triệu đồng/kg.
Hiện Phong và những người bạn đang chuẩn bị thành lập công ty để sản xuất thêm nhiều sản phẩm mới cung cấp ra thị trường, như phân bón cho cây trồng, chiết suất dịch làm phân bón lá cây, ép tinh dầu để dùng pha vào thức ăn chăn nuôi...
“Theo tính toán một ấu trùng mỗi ngày ăn được một khối lượng gấp 10 lần trọng lượng của nó. Nhiều nhà nuôi yến còn sử dụng kén ruồi lính đen để làm thức ăn cho yến, là giải pháp thay thế nguồn thức ăn tự nhiên của yến đang ngày càng cạn kiệt. Đồng thời, thay thế bột cá bằng bột ấu trùng ruồi lính đen được xem là giải pháp bền vững cho ngành công nghiệp thức ăn thủy sản”, GS.TS Dương Nguyên Khang - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao KHCN, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM cho biết.

Nguồn: nongnghiep.vn
MINH SÁNG

(Kiến thức gia đình số 43)
Share:

Thử nghiệm nuôi ruồi lính đen, bước đầu thu được kết quả khả quan

Anh Ngô Thành Sơn công tác tại Sở NN-PTNT Quảng Trị thử nghiệm nuôi ruồi lính đen, bước đầu thu được kết quả khả quan.

Anh Sơn giới thiệu sản phẩm ruồi lính đen.

Trao đổi với chúng tôi về cơ duyên đến với nuôi ruồi lính đen, anh Sơn cho biết, là một thạc sỹ trẻ ngoài thời gian làm ở cơ quan anh mong muốn phát triển chăn nuôi để tăng thêm nguồn thu nhập. Trong chăn nuôi, vấn đề xử lý mùi hôi chất thải và có thên nguồn thức ăn đủ chất dinh dưỡng cho đàn vật nuôi là vấn đề anh trăn trở.

Sau khi tìm hiểu qua sách báo, anh thấy ruồi lính đen là một sinh vật không gây hại, không mang mầm bệnh truyền nhiễm. Nuôi ruồi lính đen không cần nhiều diện tích đất nhưng mang lại hiệu quả trong xử lý chất thải nông nghiệp để tạo ra nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi. Anh Sơn đã quyết định đặt mua tại tỉnh Đồng Nai với 2kg ấu trùng bố mẹ và 50 gram trứng làm giống.

Theo chân anh Sơn, chúng tôi vào thăm khu nuôi, nhân giống và tái đàn ruồi lính đen của gia đình anh. Cơ sở vật chất để phát triển loài sinh vật này không quá cầu kỳ, gồm: Bể nuôi ấu trùng; Các khay nhựa, thùng xốp đựng kén; Lồng nuôi ruồi bố mẹ rộng chừng 12m3 để phục vụ tái đàn.

Lồng nuôi được thiết kế bằng vải mùng luôn khép kín, bên trong có hàng ngàn những chú ruồi lính đen chen chúc nhau, anh cũng bố trí một cây xanh nhỏ và các giá thể bằng gỗ làm nơi để đàn ruồi giao phối sinh sản và đẻ trứng. Theo anh Sơn, việc đầu tư nuôi ruồi lính đen không đòi hỏi về cơ sở vật chất, chủ yếu là đảm bảo thức ăn đầy đủ, nước uống và chế phẩm vi sinh để xử lý mùi hôi.
Ruồi lính đen mang lại thu nhập ổn định cho gia đình anh Sơn.

Mô hình này bước đầu cho thấy hiệu quả trong xử lý rác thải, tạo ra nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi và làm phân bón hữu cơ. Hiện nay, diện tích nuôi ruồi lính đen của gia đình đã sản xuất một khối lượng ấu trùng, trứng ruồi cung cấp cho thị trường làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản và phục vụ nhân cấy, tái đàn, mang lại thu nhập.

“Chỉ mới bắt đầu nuôi 6 tháng, hiện nay tôi thu hoạch 100 -120 gram trứng ruồi/tháng và cung cấp cho thị trường một lượng lớn ấu trùng, trứng. Với giá bán 10 gram trứng 150 ngàn, 1kg ấu trùng 50 ngàn đã mang lại thêm nguồn thu nhập ổn định từ 3 - 5 triệu đồng/tháng”, anh Sơn cho hay.

Ruồi lính đen (Hermetia illucens) là côn trùng sẵn có trong tự nhiên, không có vòi nên không chích hút vào hoa quả và không bám vào thức ăn như các loài ruồi khác nên là động vật có lợi cho nông nghiệp. Theo anh Sơn, ruồi lính đen là loài côn trùng khá mới mẻ đối với các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên chúng dễ nuôi, phát triển nhanh và đặc biệt ấu trùng đem lại giá trị kinh tế cao: vừa làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy hải sản vừa được sử dụng để xử lý chất thải hữu cơ từ các hoạt động nông nghiệp hoặc hoạt động sản xuất.
 
Anh Sơn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi ruồi lính đen cho bà con.

Anh Sơn cho biết thức ăn của ruồi lính đen rất đa dạng, chủ yếu là các loại rau, củ, quả hư hỏng, thức ăn thừa, các loại phế phẩm trong nông nghiệp, như: xác đậu nành, cám gạo, các loại trái cây hư… Vòng đời ruồi lính đen kéo dài khoảng 40 ngày và chia thành 5 giai đoạn: Trứng, ấu trùng, tiền nhộng, nhộng và ruồi trưởng thành. Con trưởng thành sống khoảng 5-8 ngày, không ăn chỉ uống để tồn tại khi thành ruồi, sống dưới bóng cây. Giai đoạn ấu trùng được xem là thời kỳ đóng góp tốt cho việc xử lý rác thải, bởi chúng có thể phân hủy hàng tấn nông sản phế phẩm để phát triển. Ấu trùng (sâu canxi), thường được sử dụng để xử lý các nguồn phụ phế phẩm hữu cơ tại nhà hoặc trại chăn nuôi, sinh khối thu được có thể sử dụng làm nguồn thức ăn giàu đạm và canxi cho vật nuôi.

Ngoài ra nguồn phụ phẩm sau khi xử lý bởi ấu trùng ruồi lính đen có thể dùng trực tiếp cho đất trồng giúp cải tạo đất, tăng năng suất cây trồng. “Ấu trùng ruồi lính đen trước giai đoạn hóa nhộng có thành phần dinh dưỡng cao, gồm: 43 - 51% protein, 15-18% chất béo, 2,8% - 6,2% canxi, 1-1,2% phốt pho, đủ chất dinh dưỡng làm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, như lợn, gà, vịt, chim... Đồng thời, là thức ăn sống tốt nhất để nuôi các loại thủy sản, như tôm, cua, cá, lươn, ếch, chim yến... Ngoài ra, ấu trùng ruồi có thể cô đặc, sấy khô phối trộn với các chất dinh dưỡng khác làm thức ăn thay thế hoàn toàn bột cá trong sản xuất thức ăn chăn nuôi”, anh Sơn chia sẻ.

Là người đam mê nghiên cứu tìm tòi phát triển chăn nuôi với nền nông nghiệp sạch, hữu cơ anh Sơn luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ kỹ thuật nuôi cho những người có nhu cầu nuôi ruồi lính đen. Với kỹ thuật nuôi đơn giản, tiết kiệm chi phí, hơn nữa ruồi lính đen là loài côn trùng có rất nhiều lợi ích đối với môi trường, đảm bảo an toàn với vật nuôi và sức khỏe con người. 
Nguồn: Nongnghiep.vn
Share:

Tây Ninh: Thu nhập tiền triệu mỗi ngày nhờ nuôi ruồi lính đen

Với kỹ thuật chăn nuôi đơn giản, tiết kiệm chi phí, ruồi lính đen có nhiều lợi ích đối với môi trường, bảo đảm an toàn với vật nuôi và sức khoẻ con người.

Trứng ruồi sau vài ngày ươm.

Nắm bắt những ưu điểm đó, ông Trang Văn Măng, ngụ ấp Trường Lưu, xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành đã thực hiện thành công mô hình nuôi ruồi lính đen, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đầu năm 2019, ông Măng tiếp cận mô hình nuôi ruồi lính đen thông qua các tin tức trên mạng. Sau đó, ông đặt mua 50g trứng ruồi lính đen với giá 500.000 đồng về thử nghiệm. Sau một thời gian nghiên cứu, chăm sóc, ông đã nắm được quy trình và kỹ thuật nuôi.

Vòng đời của ruồi lính đen kéo dài khoảng 1 tháng, bắt đầu từ trứng, ấu trùng, nhộng, cuối cùng lột xác thành ruồi. Việc chăm sóc loài ruồi này không quá phức tạp, thức ăn của nó rất đa dạng, có thể tận dụng các loại phế phẩm trong nông nghiệp như xác đậu, rau củ quả hư, các loại chất thải hữu cơ…

Mô hình nuôi ruồi lính đen mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nguồn thức ăn đơn giản, dễ kiếm nhưng lúc nào cũng phải bảo đảm để nuôi đạt hiệu quả. Trung bình trứng ruồi lính đen được ươm trong 5 ngày, mất khoảng nửa tháng để lột xác thành ruồi trưởng thành. Con trưởng thành bắt đầu đẻ trứng (không ăn thức ăn) sống từ 12 – 15 ngày rồi chết.

Dẫn chúng tôi tham quan khu vực nuôi ruồi lính đen, ông Măng cho biết, chuồng nuôi được thiết kế tương đối thoáng mát nhưng vẫn bảo đảm đủ độ ẩm để ruồi lính đen sinh trưởng và phát triển tốt.

Chuồng được chia thành nhiều ô riêng để ấp trứng ruồi, nuôi ấu trùng và nhộng. Ruồi trưởng thành sẽ được nuôi riêng trong một góc vườn, bao kín bằng lưới. Tại đây có bố trí những thanh gỗ mỏng buộc với nhau bằng dây thun cho ruồi đẻ trứng vì loài này hay đẻ trong khe hở nên làm vậy để giống với tập quán tự nhiên.

“Ruồi lính đen không có vòi, không chích hút vào hoa quả và không bám vào thức ăn như các loại ruồi khác nên khá an toàn và bảo vệ môi trường vì có tốc độ xử lý rác thải hữu cơ cao, không phát sinh nước thải hay mùi hôi, giảm thiểu các loại mầm bệnh. Nó còn là nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng cho gà, vịt, chim, cá, rắn mối…, giúp vật nuôi khoẻ mạnh và tăng trưởng nhanh”-ông Măng cho biết.

Ruồi lính đen là nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng cho gia cầm.

Việc nuôi ruồi lính đen không tốn nhiều công sức, có thể kết hợp với các mô hình chăn nuôi khác như nuôi gà, vịt, cá… mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm chi phí mua thức ăn. Với ưu điểm nổi bật, ruồi lính đen đang được nhiều người ưa chộng, giá thị trường khá cao, tuỳ theo thời điểm. Hiện nay, trứng ruồi lính đen có giá 10 triệu đồng/kg, ấu trùng ruồi dao động khoảng 30.000 đồng/kg.

Ông Măng cho biết thêm, “Việc nuôi ruồi lính đen bán trứng mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Mỗi ngày, tôi bán hơn 100 gam trứng ruồi cho người dân địa phương và khắp các tỉnh, thu nhập 1 triệu đồng/ngày, có thời điểm trứng ruồi lính đen có giá cao đến 3 triệu đồng/100 gam trứng ruồi”.

Nhu cầu mua trứng ruồi lính đen ngày càng tăng, có lúc không đủ để bán. Sắp tới, gia đình ông Măng dự kiến mở rộng quy mô, xây dựng thêm 3 chuồng nuôi. Cùng với việc duy trì các mối hàng sẵn có, ông đang tìm kiếm, liên kết với những hộ dân khác để mở rộng mô hình, phát triển kinh tế.

Với những ưu điểm vượt trội về tính năng xử lý rác thải và nguồn thức ăn hiệu quả trong chăn nuôi, ruồi lính đen được nhiều quan tâm, đầu tư phát triển kinh tế, có đầu ra thuận lợi. Hy vọng mô hình sẽ ngày càng phát triển bền vững, góp phần làm giàu cho gia đình, tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường, bảo đảm sức khoẻ con người.

Ruồi lính đen có tên khoa học là Hermetia illucens, được nhiều nước trên thế giới nuôi. Ấu trùng của chúng là thức ăn giàu dinh dưỡng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản. Xác ruồi cũng được tận dụng làm phân bón cho cây.

Nguồn: Tây Ninh Online
Share:

Khảo sát quá trình thủy phân nhộng ruồi lính đen bằng enzyme protease và ứng dụng sản xuất bột cao đạm

Nhóm nghiên cứu Trần Thị Long Biên (Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM), Nguyễn Ngọc Quyến (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai),… thực hiện đề tài này nhằm xác định các chỉ tiêu ảnh hưởng đến quá trình thủy phân nhộng ruồi và quy trình sản xuất bột cao đạm từ nhộng ruồi. 
Nhộng ruồi lính đen (Hermetia illucens) được biết đến như là loại thức ăn cho gia súc gia cầm dưới dạng tươi do nhộng có giá trị dinh dưỡng cao; có khả năng xử lý hiệu quả các loại chất thải khác nhau, trong đó có các phụ phế phẩm từ nhà máy chế biến thủy sản.

Trong nghiên cứu này, với tỷ lệ phối trộn 27% ruột cá và 73% vỏ thơm, nhộng có khả năng giảm thể tích chất thải 63% trong 8 ngày và tỷ lệ chuyển hóa chất thải là 3,7:1 (khoảng 6 kg thức ăn sẽ cho 1 kg nhộng). Đồng thời, nhộng ruồi lính đen có khả năng cung cấp sinh khối để làm thức ăn cho thủy sản với giá trị dinh dưỡng lớn (33% đạm, 32% lipid, tính trên vật chất khô. Khi thủy phân protein của loài nhộng này bằng enzyme protease ở các điều kiện 5% NaCl, hoạt độ enzyme 35 UI, thể tích phản ứng 50 ml trong thời gian 16 giờ ở 500C, và phối trộn dịch thủy phân với 70% bã đậu nành sấy ở nhiệt độ 550C trong 48 giờ, sẽ thu được sản phẩm bột cao đạm với các thành phần dinh dưỡng là 44,93% protein thô, 3,61% lipid, 5,96% chất xơ, 3,79% ẩm độ. Đây là nguồn protein chất lượng cao cung cấp thức ăn cho thủy sản và gia súc.
Quy trình sản xuất bột cao đạm từ nhộng ruồi lính đen là một quy trình khép kín. Các phụ phẩm từ nhà máy chế biến thủy sản và rác thải từ các chợ sẽ được tận dụng để làm thức ăn cho ấu trùng. Sau khi thu hoạch, sản phẩm bao gồm nhộng và rác thải sau xử lý. Rác thải sau khi xử lý có thể tận dụng làm phân bón hữu cơ cho cây. Quy trình này vừa giải quyết được vấn đề môi trường, rác thải, vừa có khả năng cung cấp ổn định nguồn đạm động vật cho ngành công nghiệp sản xuất thức ăn gia súc và thủy sản, đồng thời giải quyết được vấn đề đầu ra của nhộng ruồi khi dùng chúng làm tác nhân chu chuyển rác, tránh nguy cơ mất cân bằng sinh học do có thể kiểm soát và sử dụng loài côn trùng này ngay ở giai đoạn ấu trùng.
LV (Nguồn: Tạp chí KHKT Nông lâm nghiệp, số 1-2016)
Share:

Ruồi lính đen - "Thú cưng" được sinh viên nuôi để tiêu diệt rác

Hòa “ruồi”, Hòa “lính đen” là biệt danh gắn liền với Nguyễn Trọng Hòa từ lâu nay nhưng Hòa không phiền lòng, trái lại còn cảm thấy rất tự hào.

Sở dĩ Hòa có biệt danh này là vì anh và nhóm bạn đã nghiên cứu và sử dụng giống ruồi lính đen để xử lý chất thải hữu cơ, giúp giảm thiểu lượng rác thải tập kết về các bãi rác. Bên cạnh đó, vì có giá trị dinh dưỡng cao nên nhộng ruồi lính đen còn được dùng để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm cũng như dùng làm phân bón hữu cơ cải tạo đất bạc màu, tăng độ tơi xốp cho đất mà không gây ảnh hưởng đến môi trường. 

Nhóm nghiên cứu của Hòa gồm 4 thành viên đều là sinh viên khoa Kỹ thuật thực phẩm và môi trường, Trường đại học Nguyễn Tất Thành, cùng sự hướng dẫn của ThS. Lê Nguyễn.

Hòa cho biết, ruồi lính đen có nguồn gốc bắt nguồn từ Bắc Mỹ và có thể tiêu thụ các vật liệu hữu cơ phân hủy, bao gồm cả chất carrion (xác chết, vật liệu dơ bẩn). Ấu trùng ruồi lính đen phân hủy chất hữu cơ rất nhanh; sự phát triển của chúng phụ thuộc vào chất lượng và số lượng thức ăn cho vào.

Nhóm đã tiến hành nuôi thử nghiệm tại vùng Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang với chất nền là bã đậu được thu gom từ các lò làm đậu hủ và vỏ thơm được thu gom từ lò sản xuất kẹo. Tất cả được cho vào máy xay nhuyễn và làm thức ăn trực tiếp cho ấu trùng.

Ngoài nguồn thức ăn dồi dào, để có được ấu trùng khỏe mạnh làm tăng hiệu suất xử lý rác, theo Hòa cần nuôi chúng trong điều kiện nhiệt độ dao động từ 25 - 35 độ C, độ ẩm không khí 60 - 80%, độ ẩm thức ăn 70 - 90% với mật độ thông thường tầm 2 - 3g trứng/m2 cũng như độ dày chất nền dao động 2 - 4 cm, đây là điều kiện tốt nhất cho sự sinh trưởng và phát triển ấu trùng. 

Nhóm cũng đã tạo ra thùng rác sinh học giúp phân loại và phân huỷ rác hữu cơ tại nhà bằng cách đục lỗ bên dưới để thu nước rỉ rác, đồng thời có máng thu ấu trùng bên trên. Việc sử dụng thùng rác sinh học tại hộ gia đình không chỉ tạo ra nguồn thức ăn cho vật nuôi, mà còn giúp phân loại chất thải tại nguồn, giảm thiểu lượng rác thải tập kết. Kết quả nghiên cứu cho thấy, ấu trùng ruồi lính đen phát triển nhanh trên hai hệ chất nền bã đậu hủ và bã thơm.

Cũng theo Trọng Hòa, nên cung cấp chất nền theo từng đợt riêng lẻ giúp ấu trùng xử lý triệt để chất thải trước khi chúng tạo ra mùi hôi; tránh việc cung cấp chất nền một lần trong suốt thời gian nuôi. Vì khi đó sức phân hủy ấu trùng không đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, nấm nem phát triển gây mùi hôi, làm tăng độ dày cũng như nhiệt độ trong chất nền. 

Nguồn ánh sáng không được chiếu thẳng vào khu vực nuôi. Với chuồng nuôi, cần đảm bảo sàn nuôi phải láng, không có lỗ, khuyến cáo tráng bê tông hoặc dùng bạc lót, không nuôi trực tiếp trên mặt đất. Khi vào mùa mưa cần phải thận trọng cho việc nuôi ấu trùng, vì ấu trùng thích nghi với điều kiện nhiệt độ từ 27 độ C - 33 độ C.

Trong thế giới tự nhiên, ấu trùng ruồi lính đen được biết đến như một kẻ phàm ăn, có cấu trúc miệng rộng ăn tất cả các hợp chất hữu cơ một cách nhanh chóng khi các hợp chất có thời gian phân huỷ và tạo ra mùi, vì thế giúp loại bỏ được mùi hôi. Nhóm đã tiến hành thực nghiệm và kết quả cho thấy, chỉ bằng phương pháp ăn vào và tiêu hoá, ấu trùng có thể làm giảm từ 80 - 90% lượng chất thải cùng bất kỳ các mầm bệnh nào. 

"Ruồi lính đen có thể tiêu thụ lượng thức ăn gấp 4 lần trọng lượng cơ thể trong ngày. Trong diện tích 1m2 (2 - 3g ấu trùng), ấu trùng ruồi lính đen có thể tiêu thụ 30kg rác sinh hoạt/ngày, còn trong thùng rác là 15kg rác thực phẩm/ngày", Hòa cho hay. 

Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa nóng khô, là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ruồi lính đen. Đặc biệt, ruồi lính đen đã được tổ chức nông thương Liên hiệp quốc (FAO) công nhận là giống côn trùng được ưu tiên xử lý rác thải và sử dụng hàm lượng protein thay thế cho tài nguyên cá đang cạn kiệt. 

Ruồi lính đen có tên khoa học là Hermetia Illucens. Ruồi lính đen trưởng thành có màu đen, dài 12-20mm, có vòng đời khoảng 40 ngày, bắt đầu từ trứng, ấu trùng, nhộng và cuối cùng lột xác thành ruồi lính đen. Ruồi trưởng thành chỉ sống được khoảng một tuần rồi chết. Ruồi cái trưởng thành đẻ từ 500 - 800 trứng. Hiện trung bình một kg trứng ruồi được bán với giá 15-20 triệu đồng. Một kg trứng ruồi có thể nở và phát triển thành 3 đến 4 tấn nhộng. 

Mai Dung
Nguồn: sangkiencongdong.vn
Share:

Chuyển giao công nghệ nuôi Ruồi Lính Đen làm phân bón hữu cơ

Với tiềm năng ứng dụng lớn, các giải pháp công nghệ liên quan đến khai thác, sử dụng ruồi lính đen hứa hẹn sẽ mang đến hiệu quả kinh tế cao.

Ngày 17/6, Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM (CESTI) sẽ tiến hành phiên Hợp tác công nghệ đầu tiên về sản xuất phân hữu cơ sinh học từ ruồi lính đen. Sự kiện được tổ chức tại Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM (79 Trương Định, Quận 1).

Đây là công nghệ đã được nghiên cứu thành công trong nước, sản phẩm đạt các tiêu chuẩn chất lượng về phân bón hữu cơ sinh học theo QCVN 01-189:2019/BNNPTNT. Đơn vị cung ứng công nghệ đang tìm kiếm các hợp tác nghiên cứu và phát triển sản xuất phân bón hữu cơ từ phân ruồi lính đen ở quy mô công nghiệp, hoặc chuyển giao quy trình công nghệ cho các doanh nghiệp sản xuất có nhu cầu.

Theo các nghiên cứu, ruồi lính đen (Hermetia illucens) được nhiều nước trên thế giới khai thác rất hiệu quả, mà không gây hại cho môi trường và con người. Ruồi lính đen được sử dụng trong xử lý chất thải, rác hữu cơ; dùng làm thức ăn chăn nuôi; sản xuất dầu biodiesel; sản xuất phân bón hữu cơ. Đây cũng là loại côn trùng khá thích hợp với điều kiện khí hậu của Việt Nam.

Ruồi lính đen là loại côn trùng khá thích hợp với điều kiện khí hậu của Việt Nam

Với tiềm năng ứng dụng lớn, các giải pháp công nghệ liên quan đến khai thác, sử dụng ruồi lính đen hứa hẹn sẽ mang đến hiệu quả kinh tế cao cho các nhà đầu tư, các đơn vị và doanh nghiệp ứng dụng.
Theo thông tin từ nhà tổ chức, hiện có gần 20 đơn vị, doanh nghiệp đăng ký tham dự sự kiện, trong đó, 8 doanh nghiệp sản xuất, nhà đầu tư tại TP.HCM và các tỉnh khu vực phía Nam.

Hợp tác công nghệ là hoạt động giới thiệu, trình diễn các kết quả nghiên cứu, công nghệ có khả năng thương mại hóa cao, có nhu cầu hợp tác, phát triển của các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ…đến các doanh nghiệp sản xuất, các nhà đầu tư, cơ sở ươm tạo, cơ quan nghiên cứu...

Hoạt động này nhằm hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng công nghệ, tạo lập các quan hệ hợp tác đầu tư, hỗ trợ tài chính, phát triển và chuyển giao công nghệ. Tại sự kiện, các bên sẽ trao đổi về đặc điểm, ưu thế công nghệ; khả năng ứng dụng; hiệu quả kinh tế, các phương án hợp tác phát triển công nghệ và lựa chọn đối tác phù hợp để ký kết các thỏa thuận, ghi nhớ hợp tác trong tương lai.

Trước đó, CESTI cũng đã tổ chức phiên Kết nối ý tưởng đầu tiên. Đây là nơi mà các nhà cung ứng công nghệ cùng 'cạnh tranh trực tiếp' bằng các giải pháp thích hợp của mình trước yêu cầu công nghệ cụ thể của doanh nghiệp.

Kết nối ý tưởng và Hợp tác công nghệ nằm trong chuỗi sự kiện Cà phê công nghệ nhằm thúc đẩy kết nối cung cầu, xúc tiến chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, hiệu quả kinh doanh, góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại TP.HCM và các tỉnh trong khu vực. Đây là hoạt động do CESTI triển khai thực hiện dưới sự chỉ đạo của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM. Với việc triển khai chuỗi sự kiện mới, CESTI tiếp tục khẳng định vai trò là "cầu nối" giữa các doanh nghiệp sản xuất và tổ chức/chuyên gia nghiên cứu.

Nguồn: khampha.vn
Share:

Giới thiệu Ruồi Lính Đen (Hermetia illucens) - vòng đời và giá trị kinh tế - xã hội

GIỚI THIỆU RUỒI LÍNH ĐEN

Ruồi Lính Đen có tên khoa học là “Hermetia illucens”, tên tiếng Anh là “Black Soldier fly”, thuộc lớp côn trùng Hexapoda, có sẵn trong môi trường tự nhiên ở Việt Nam, và thường xuất hiện ở khu vực có vật chất hữu cơ đang phân hủy. Vòng đời của Ruồi Lính Đen trải qua bốn giai đoạn: trứng, ấu trùng, nhộng, và ruồi trưởng thành. Ấu trùng của Ruồi Lính Đen có khả năng tiêu hóa thành phần hữu cơ trong chất thải sinh hoạt (Bùi Ngọc Cẩn, 2011), phân gia súc, gia cầm, phế phẩm trong chế biến thủy sản và nông sản... tạo ra chất mùn (G. L. Newton và cộng sự, 2005; Paul Olivier và cộng sự, 2011). Ngoài ra, ấu trùng ruồi sống có hàm lượng protein và chất béo thô lần lượt là 15% và 5,8%, đủ chất dinh dưỡng làm thức ăn nuôi trực tiếp cho lợn, gà, vịt, cá (Triệu Minh Đức, 2013; Nguyễn Phú Hòa và Nguyễn Văn Dũng, 2016). Ruồi Lính Đen sống trong tự nhiên và không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của con người. Với những đặc điểm trên, hiện nay, việc ứng dụng Ruồi Lính Đen trong nông nghiệp và xử lý chất thải sinh hoạt ngày càng được quan tâm trên thế giới và ở Việt Nam. Tuy nhiên, những nghiên cứu về môi trường nhân nuôi và khả năng ứng dụng Ruồi Lính Đen ở Việt Nam chưa nhiều, trong thực tế, đã một số cơ sở tiến hành nhân nuôi và sử dụng loài ruồi này, chủ yếu tập trung ở một số tỉnh và thành phố phía Nam. 

VÒNG ĐỜI CỦA RUỒI LÍNH ĐEN

Giai đoạn trứng: Trứng Ruồi Lính Đen rất nhỏ, khi được đẻ ra trứng ấp 4 ngày nở thành ấu trùng.

Giai đoạn ấu trùng: Giai đoạn này ấu trùng có màu trắng đục (hoặc hơi vàng đục) phát triển trong 14 ngày, sau đó chúng lớn thành sâu canxi và có thể làm thức ăn cho gà, cho chim, cho cá,…

Giai đoạn phát triển thành nhộng đen: Nuôi tiếp ấu trùng ruồi lính đen (tên gọi giai đoạn này là: sâu canxi) trong vòng khoảng 14 ngày, nó sẽ từ màu trắng đục chuyển thành màu đen (nhộng đen).

Giai đoạn phát triển thành kén: Nhộng đen kích bằng cát khoảng 7 ngày sẽ phát triển thành Kén, lúc này nhộng đen không còn hoạt động nữa mà sẽ nằm im.

Giai đoạn Ruồi Lính Đen sinh sản: Kén đưa vào chuồng đẻ, 5 ngày sau sẽ phát triển thành Ruồi Lính Đen và lúc này ruồi sẽ được đưa vào buồng lưới chuyên cho sinh sản. Và Ruồi Lính Đen đực và cái giao phối với nhau để sinh ra trứng. Vòng đời của Ruồi Lính Đen kết thúc.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI CỦA RUỒI LÍNH ĐEN

  • Tận dụng phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn
  • Là nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm, thủy sản
  • Phân ấu trùng là nguồn phân hữu cơ giúp cải tạo đất

MÔ HÌNH NUÔI RUỒI LÍNH ĐEN TỐI ƯU THEO NGHIÊN CỨU

Mô hình nhân nuôi Ruồi Lính Đen có thể áp dụng thành công tại khu vực miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng cần lưu ý trong quá trình nhân nuôi là nhiệt độ. Ruồi Lính Đen sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện nhiệt độ môi trường từ 25 ÷ 30oC, với vòng đời kéo dài trong khoảng từ 20 đến 30 ngày. Vào mùa hè, nhiệt độ trung bình của khí quyển tương đối cao và thích hợp cho sự phát triển của ấu trùng Ruồi Lính Đen. Vào mùa đông, nhiệt độ trung bình của môi trường xung quanh thấp, khi tiến hành nhân nuôi ấu trùng Ruồi Lính Đen, cần đảm bảo cung cấp đầy đủ nhiệt độ cho sự phát triển của ấu trùng diễn ra nhanh hơn và cho hiệu quả cao hơn. 

 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU RUỒI LÍNH ĐEN

Kết quả nghiên cứu cho thấy, ấu trùng Ruồi Lính Đen đặc biệt phát triển nhanh trên hai loại chất nền là bã đậu và chất nền là hỗn hợp của phân gà và bã đậu. Khi duy trì điều kiện môi trường của hai loại chất nền trên ở độ ẩm từ 80 – 85% và hiếu khí, việc nhân nuôi đạt hiệu quả cao về mặt số lượng và khối lượng ấu trùng Ruồi Lính Đen. Giai đoạn thu hoạch ấu trùng Ruồi Lính Đen là giai đoạn thân ấu trùng vẫn còn màu trắng và bắt đầu chuyển dần sang màu đen.

Việc nhân nuôi ấu trùng Ruồi Lính Đen ở quy mô hộ gia đình có thể tiến hành với những thùng xốp đơn giản được đục lỗ thông thoáng bên dưới đáy và xung quanh thành nhằm tạo môi trường hiếu khí, thức ăn với độ ẩm từ 80 ÷ 85% được cung cấp thường xuyên, liên tục tùy thuộc kích thước, số lượng và giai đoạn phát triển của ấu trùng. 

KẾT LUẬN

Kết quả nghiên cứu nhân nuôi ấu trùng Ruồi Lính Đen trên các chất nền khác nhau cho thấy, ấu trùng ruồi sinh sinh trưởng và thích nghi tốt trong môi trường chất nền là bã đậu, cụ thể, tỉ lệ trứng nở thành ấu trùng cao, kích thước của ấu trùng lớn, thời gian sinh trưởng và pháp triển tương đối nhanh. Kết quả nhân nuôi ấu trùng Ruồi Lính Đen trên chất nền là hỗn hợp của bã đậu và phân gà cũng cho kết quả tương đối cao, ấu trùng với kích thước lớn có số lượng nhiều hơn lượng ấu trùng nuôi trong chất nền là phân gà, nhưng vẫn ít hơn so với chất nền chỉ có mình bã đậu. Đối với các mẫu chất nền không có sẵn trứng Ruồi Lính Đen, kết quả theo dõi sau một tháng không cho thấy có sự xuất hiện của Ruồi Lính Đen, nguyên nhân có thể do thời gian nghiên cứu chưa đủ dài hoặc tại khu vực nghiên cứu, Ruồi Lính Đen chưa có mặt hoặc với số lượng nhỏ. Với những lợi ích đã được chứng minh, việc tuyên truyền về lợi ích mà Ruồi Lính Đen đem lại trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt đến người dân địa phương là cần thiết và có ý nghĩa.

Tổng hợp: Trần Hồ Quyết Tiến - Kỹ sư môi trường ĐH Nông Lâm Tp.HCM 0985436180

Nguồn tham khảo:

Nhân nuôi ruồi lính đen trên các hệ chất nền khác nhau để xử lý chất thải rắn sinh hoạt hữu cơ

Chephamsinhhoc.net

 

  

Share:

TẠP CHÍ RUỒI LÍNH ĐEN

NGUỒN CẢM HỨNG

Tổng số lượt xem trang

NGHIÊN CỨU MỚI

THỨC ĂN RUỒI LÍNH ĐEN

  • Bã đậu nành ở các lò sản xuất đậu hủ.
  • Rau củ quả hư tại các chợ.
  • Xác động vật chết (cá, ếch,...).
  • Cám gạo, bã bia, thức ăn công nghiệp.

LƯU Ý KỸ THUẬT NUÔI

MUA TRỨNG RUỒI LÍNH ĐEN

Hiện tại cơ sở sản xuất Ruồi Lính Đen Đồng Tháp đang trong giai đoạn khởi nghiệp kinh doanh mô hình khép kín tự sản xuất và tiêu thụ. Vì vậy, lộ trình sản phẩm trứng Ruồi Lính Đen sẽ được chúng tôi sản xuất thương mại sau tháng 01 năm 2021. Thời điểm hiện tại anh, chị bà con nông dân hoặc các bạn sinh viên có nhu cầu tham quan cơ sở, chúng tôi vẫn sẵn sàng phục vụ và hỗ trợ. Trân trọng./.