Nuôi ruồi lính đen kết hợp gà thả vườn cho hiệu quả kinh tế cao

(QBĐT) - Nhằm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, thời gian qua, Tỉnh đoàn đã tiến hành thực hiện nhiệm vụ “Tập huấn kỹ thuật và xây dựng mô hình sử dụng ấu trùng ruồi lính đen làm thức ăn chăn nuôi gà”. Nhiệm vụ đã được Hội đồng khoa học cấp tỉnh đánh giá cao và đang tiến hành chuyển giao công nghệ để nhân rộng mô hình.

Ruồi lính đen là loài côn trùng có ích, ở Việt Nam, chúng có sẵn trong tự nhiên nhưng với số lượng không nhiều. Ấu trùng ruồi lính đen là nguồn thức ăn sạch với hàm lượng dinh dưỡng cao gồm 43-51% protein, 15-18% chất béo, 2,8%-6,2% canxi, 1-1,2% photpho và đầy đủ các acid amin cần thiết cho gà sinh trưởng và phát triển tốt. Ở nước ta đã có nhiều mô hình, trang trại sử dụng ấu trùng ruồi lính đen để làm thức ăn chăn nuôi, tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, hầu như chưa có mô hình nào sử dụng công nghệ này vào sản xuất, chăn nuôi.

Với mục tiêu “cầm tay chỉ việc”, tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên học tập về kỹ thuật, hiệu quả kinh tế từ đó chuyển giao công nghệ, nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn tỉnh, nhiệm vụ đã được triển khai tập huấn kỹ thuật và thực hành tại trang trại anh Nguyễn Văn Nhị, xã Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch.

Mô hình nuôi gà bằng ấu trùng ruồi lính đen đem lại hiệu quả kinh tế cao do gà tăng trọng nhanh và chất lượng thịt được cải thiện.

Thông qua các nội dung kiến thức mà cán bộ kỹ thuật đã phổ biến, hướng dẫn về lý thuyết và quy trình kỹ thuật nuôi ấu trùng ruồi lính đen làm thức ăn cho gà, các học viên đã tiếp thu các kiến thức về kỹ thuật và tiến hành thực hành nuôi ruồi lính đen để thử nghiệm. Đợt 1, với 100g trứng, nhóm thu được được 315kg ấu trùng, tỷ lệ trứng nở đạt 78,7%. Đợt 2 với 200g trứng ruồi, nhóm đã thu thu được 740kg ấu trùng, tỷ lệ trứng nở đạt 93,7%. Đợt 3 với 100g trứng, tỷ lệ trứng nở đạt 90%, khối lượng ấu trùng thu được 380kg.

Sau khi thực hành nuôi ấu trùng ruồi lính đen qua 3 đợt, nhóm thực hiện nhiệm vụ cùng với các đoàn viên thanh niên tiến hành tái đàn bằng cách lấy 20kg ấu trùng nuôi từ đợt 3 tiếp tục nuôi thành ruồi, cho ghép cặp để lấy trứng ruồi nhân nuôi tiếp. Kết quả tái đàn với 20kg ấu trùng tiến hành nuôi cho sinh sản thu được 160g trứng ruồi, tiếp tục cho nở, nuôi được 450kg ấu trùng.

Tuy nhiên, tỷ lệ trứng nở thành ấu trùng ruồi lính đen trong đợt 4 là thấp (đạt 70%), nguyên nhân do đây là lần đầu tiên thực hiện việc thu trứng, các đoàn viên, thanh niên chưa có nhiều kinh nghiệm trong quá trình cho đẻ, thời điểm lấy trứng cũng như kỹ thuật lấy trứng còn hạn chế.

Cùng với việc thực hành nuôi ấu trùng ruồi lính đen, nhóm thực hiện cũng đã thả nuôi 1.000 con gà mía nhằm đánh giá khả năng sinh trưởng và phát triển của gà khi ăn thức ăn từ ấu trùng ruồi. Do lượng ấu trùng thu được quá nhiều, sau 20 ngày thì ấu trùng đã phát triển thành nhộng đen. Ở giai đoạn này không làm thức ăn cho gà được. Vì vậy, nhóm phải bảo quản và chế biến ấu trùng bằng cách thủy phân thành dung dịch đạm hữu cơ để phối trộn với các loại thức ăn khác.

Ấu trùng thủy phân được phân hủy sau đó trộn với bột ngô với tỷ lệ 65% bột ngô, cám, gạo và 35% ấu trùng ruồi, ngoài ra, bổ sung thêm thức ăn thô xanh, như: rau cỏ tự nhiên, thân cây chuối (cho ăn tự do). Sau 20 tuần nuôi gà bằng thức ăn phối trộn với ấu trùng ruồi lính đen, tỷ lệ sống của gà đạt 95%, trọng lượng gà nuôi đến 20 tuần tuổi bình quân đạt 1,6kg/con. So sánh với đàn gà nuôi bằng thức ăn thông thường, tỷ lệ sống và tăng trưởng của gà cao hơn hẳn.

Anh Nguyễn Văn Nhị, đoàn viên xã Quảng Thạch cho biết, so với các mô hình nuôi gà thông thường trong cùng một thời gian, tăng trọng gà sử dụng ấu trùng ruồi lính đen cao hơn, chất lượng thịt săn chắc hơn do được bổ sung một lượng đạm từ côn trùng. Việc nuôi gà bằng ấu trùng ruồi lính đen đã giảm một phần chi phí thức ăn cho nên đã đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, lợi nhuận thu về từ 1.000 con gà mía sử dụng ấu trùng ruồi, sau khi trừ chi phí là gần 50 triệu đồng.

Mặc dù kết quả nuôi ruồi lính đen làm thức ăn cho gà bước đầu đem lại hiệu quả, nhưng qua thử nghiệm, nhóm thực hiện cũng đã gặp khó khăn trong việc tái đàn vào mùa hè, do thời tiết quá nóng nên ruồi không sinh sản được. Tuy nhiên, theo anh Nhị, thời gian tới, anh cùng các đoàn viên sẽ tìm giải pháp khắc phục khó khăn để tiếp tục nuôi ruồi lính đen làm thức ăn cho gà nhằm giảm chi phí thức ăn và tăng hiệu quả kinh tế.

Ông Nguyễn Công Bằng, chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết, mô hình sử dụng ấu trùng ruồi lính đen làm thức ăn chăn nuôi gà là hướng đi mới, một mặt giải quyết việc làm cho đoàn viên thanh niên và bà con trên địa bàn tỉnh, phát huy tính xung kích của thế hệ trẻ trong phát triển kinh tế nông thôn, mặt khác đem lại hiệu quả kinh tế cao do gà tăng trọng nhanh và chất lượng thịt được cải thiện.

Chính vì vậy, nhiệm vụ triển khai thành công sẽ góp phần hình thành và phát triển ngành chăn nuôi theo hướng quy mô lớn hơn, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, qua đó, góp phần làm tăng hiệu quả của chương trình xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho nông dân từ sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Thanh Hoa
Share:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TẠP CHÍ RUỒI LÍNH ĐEN

NGUỒN CẢM HỨNG

Tổng số lượt xem trang

NGHIÊN CỨU MỚI

THỨC ĂN RUỒI LÍNH ĐEN

  • Bã đậu nành ở các lò sản xuất đậu hủ.
  • Rau củ quả hư tại các chợ.
  • Xác động vật chết (cá, ếch,...).
  • Cám gạo, bã bia, thức ăn công nghiệp.

LƯU Ý KỸ THUẬT NUÔI

MUA TRỨNG RUỒI LÍNH ĐEN

Hiện tại cơ sở sản xuất Ruồi Lính Đen Đồng Tháp đang trong giai đoạn khởi nghiệp kinh doanh mô hình khép kín tự sản xuất và tiêu thụ. Vì vậy, lộ trình sản phẩm trứng Ruồi Lính Đen sẽ được chúng tôi sản xuất thương mại sau tháng 01 năm 2021. Thời điểm hiện tại anh, chị bà con nông dân hoặc các bạn sinh viên có nhu cầu tham quan cơ sở, chúng tôi vẫn sẵn sàng phục vụ và hỗ trợ. Trân trọng./.